Lào Cai 27° - 29°
Thanh toán không dùng tiền mặt “ích nước, lợi nhà”
Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành phương thức thanh toán tiện lợi, từng bước được phổ biến trong thực hiện các giao dịch của các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

    Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành phương thức thanh toán tiện lợi, từng bước được phổ biến trong thực hiện các giao dịch của các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhất là tại các khu vực đô thị tập trung nhiều loại hình thương mại văn minh, hiện đại. Tại các thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức thanh toán này đã phát huy vai trò và tác dụng trong việc đảm bảo an toàn khi thực hiện giao dịch, không gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đây là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương hoặc sử dụng công cụ để thanh toán, trong đó thanh toán trực tuyến đang được thực hiện phổ biến thông qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

    Hiện nay trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới mọi mặt đời sống và ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu, hành vi tiêu dùng có xu hướng thay đổi từ giao dịch trực tiếp sang tương tác qua các công cụ trực tuyến. Thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích như an toàn, thuận tiện, giảm chi phí xã hội, bảo đảm quản lý Nhà nước về tiền tệ, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, quản lý thuế,...Với tầm quan trọng đó, trong thời gian qua nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quan tâm nghiên cứu, triển khai trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh doanh thương mại, bán lẻ hàng hóa.

anh tin bai

Khách hàng thanh toán bằng chụp mã QR Code tại Siêu thị Mai Long Mart

    Trong những năm qua, hệ thống cửa hàng xăng dầu, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được chú trọng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa với các phương thức giao dịch và dịch vụ hỗ trợ tiên tiến, đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đây là những hoạt động kinh doanh thương mại gắn liền với đời sống, sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trên địa bàn, vì thế việc đầu tư, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Xác định được vai trò và lợi ích từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các doanh nghiệp đã sớm triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử trong thực hiện giao dịch nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và an toàn trong thực hiện, triển khai cung ứng dịch vụ nhanh chóng, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí trong xử lý tiền mặt,…Đến nay, 100% số lượng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã triển khai, áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện giao dịch, trong đó các giải pháp phổ biến như: chuyển khoản trên thiết bị di động, chuyển khoản thông qua chụp mã QR code, ví điện tử, thanh toán thông qua hệ thống POS (quẹt thẻ cầm tay), nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận các hình thức thanh toán bằng thẻ ngân hàng quốc tế như Visa, MasterCard. Tính đến ngày 15/3/2022, toàn bộ 28 cửa hàng trực thuộc Công ty TNHH MTV xăng dầu Lào Cai đã triển khai và áp dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện giao dịch. Bên cạnh đó, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt (mobile app) còn hỗ trợ khách hàng tiếp cận thông tin, tích điểm, tham gia các chương trình chăm sóc khách hàng,…Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Lào Cai, sau quá trình triển khai áp dụng các giải pháp thanh toán điện tử, ứng dụng Petrolimex ID, đến nay tại hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc đã đạt 10.505 lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt với tổng giá trị giao dịch trên 8 tỷ 720 triệu đồng. Các giải pháp thanh toán điện tử đã hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nguồn lực, đơn giản hóa các thủ tục thanh toán đối với khách hàng, tối ưu hóa chất lượng phục vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

anh tin bai

Thanh toán bằng thiết bị POS tại CHXD thuộc Petrolimex Lào Cai

    Thanh toán không dùng tiền mặt đang là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong hoạt động kinh doanh thương mại của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới với nhiều khu vực có điều kiện, kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp thì việc áp dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt còn tồn tại một số khó khăn do: Thói quen sử dụng tiền mặt lâu năm, thích hợp với những giao dịch có giá trị nhỏ phục vụ sinh hoạt đời sống hàng ngày; Thanh toán không dùng tiền mặt tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng trong thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân, an toàn dữ liệu; Hạ tầng thương mại, hạ tầng viễn thông chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện thông qua nhiều công đoạn để hoàn tất giao dịch, vì thế tại các thời điểm tập trung số lượng lớn khách hàng sẽ gây khó khăn trong thực hiện giao dịch, xảy ra tình trạng tắc nghẽn trong thanh toán. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại di động để thanh toán tại cửa hàng xăng dầu còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cháy nổ là nguyên nhân gây khó khăn trong triển khai, áp dụng,…

          Thanh toán không dùng tiền mặt là nội dung quan trọng trong định hướng xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh thương mại, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số, nâng cao khả năng ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên cạnh đó cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

          Một là chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng thương mại, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, đồng bộ, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, đảm bảo thuận tiện và tối ưu hóa khi sử dụng.

          Hai là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt, an toàn trong sử dụng thiết bị di động để thực hiện giao dịch, chú trọng thực hiện tại các các địa bàn vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

          Ba là vận động, khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ có các hình thức khuyến mãi, giảm giá,... đối với khách hàng khi sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán hàng hóa, dịch vụ; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong hoạt động thương mại điện tử.

          Bốn là tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán./.

Thành Nam

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập