Lào Cai 27° - 30°
ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP PHÂN QUYỀN TRONG QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP CHO ĐỊA PHƯƠNG
Ngày 15 tháng 3 năm 2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Nghị định này đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về cụm công nghiệp cho địa phương và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. 

    Ngày 15 tháng 3 năm 2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Nghị định này đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về cụm công nghiệp cho địa phương và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Theo đó Nghị định quy định rõ về phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp. Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, đầu tư và hoạt động của cụm công nghiệp. 

anh tin bai

Lãnh đạo các Sở Công Thương và UBND huyện Bảo Yên khảo sát địa điểm quy hoạch cụm Công nghiệp Bảo Hà – huyện Bảo Yên

    Về ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp cơ khí; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp dệt may, da giày; Công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng thông minh; công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học; … Chính phủ giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp phù hợp phương án phát triển cụm công nghiệp thuộc quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thể hiện tại Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.

    Chính phủ giao UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng, thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp; quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh hoặc bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; quy định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định việc hỗ trợ đầu tư từ ngân sách địa phương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài các cụm công nghiệp; tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật, kế hoạch hoạt động phát triển cụm công nghiệp. Ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cơ sở sản xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định canh, tái định cư, xây dựng hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông; bố trí quỹ đất trên địa bàn để xây dựng nhà ở cho người lao động của các cụm công nghiệp trong trường hợp cần thiết; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư các cụm công nghiệp. Tổ chức rà soát, có kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm các cụm công nghiệp, dự án đầu tư trong cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm pháp luật…

    Nghị định cũng quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của Sở Công Thương, cụ thể: Xây dựng, trình và tổ chức thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp, Quy chế quản lý cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp, kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp; Giải quyết các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; tham gia ý kiến các hồ sơ, thủ tục liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, tham gia ý kiến đối với hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp, điều chỉnh, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư (nếu có); Kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất hiệu quả thực hiện phương án phát triển, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích về phát triển cụm công nghiệp; xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý kiến nghị, vi phạm pháp luật theo quy định; Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình cụm công nghiệp; xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp trên địa bàn; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật.

    Đối với quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:  Đề xuất xây dựng phương án phát triển, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, quản lý hiệu quả các cụm công nghiệp; tiếp nhận, giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; Quyết định hỗ trợ đầu tư hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp; phê duyệt, thực hiện kế hoạch di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp và hoạt động phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các quy định khác về cụm công nghiệp trên địa bàn cấp huyện theo thẩm quyền; báo cáo tình hình cụm công nghiệp trên địa bàn.

    Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2024 và Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực./.

Mỹ Hạnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập