Lào Cai 25° - 28°
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VỚI NHIỆM VỤ XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO CỦA TỈNH LÀO CAI

* Lào Cai là tỉnh được đánh giá có tiềm năng phát triển kinh tế, một trong ba lợi thế hết sức quan trọng mà tỉnh đã xác định đó là phát triển Công nghiệp và Tiểu - thủ công nghiệp. Nói đến tiềm năng Công nghiệp, phải kể đến những thế mạnh:

          Về tài nguyên khoáng sản: Lào Cai là một trong những tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại khoáng sản, có giá trị lớn như:                    

Mỏ Apatit, mỏ Đồng Sin Quyền, mỏ sắt Quý Xa, mỏ graphit Nậm Thi, các mỏ fenspat, caolin …Tài nguyên rừng khá phong phú với nhiều loại lâm sản quý làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, bột giấy và chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu. Về nguồn điện năng: Lào Cai có tiềm năng thuỷ điện khá dồi dào, theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh có trên 100 điểm thuỷ điện có công suất từ 01 MW trở lên với tổng công suất quy hoạch trên 1000 MW.

          Ngoài ra, điều kiện tự nhiên, môi trường thiên nhiên của Lào Cai rất đa dạng về thực vật, động vật, đất đai và các tiểu vùng khí hậu rất phù hợp với phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thể cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.

Về vị trí địa lý: Lào Cai là tỉnh biên giới có vị trí địa lý hết sức quan trọng: Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Côn Minh- Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Là cửa ngõ nối Việt Nam, các nước AESEAN với miền Tây rộng lớn của Trung Quốc. Nếu khai thác được lợi thế này tỉnh Lào Cai sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển giao thương hàng hoá và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển công nghiệp.

Như vậy với việc hội tụ nhiều yếu tố có thể khẳng định tiềm năng hết sức quan trọng để phát triển công nghiệp – TTCN Lào Cai.

Trong những năm qua, cùng với xu thế phát triển chung của cả nước, tỉnh Lào Cai tập trung xây dựng và triển khai thực hiện 7 chương trình trọng tâm với 29 Đề án trên nhiều lĩnh vực và đã đạt được thắng lợi hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực công nghiệp đã thực hiện thành công đề án phát triển công nghiệp – TTCN giai đoạn 2001-2005: Tỷ trọng Công nghiệp – Xây dựng trong GDP của tỉnh tăng từ 18,4% (năm 2001) lên 25,6% (năm 2005); tốc độ tăng trưởng sản xuất Công nghiệp bình quân đạt 13,8%/năm ; sản xuất công nghiệp ở các khu vực đều tăng khá, nhất là Công nghiệp địa phương. Nhiều dự án công nghiệp được triển khai đầu tư trong giai đoạn này, trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động như: Xí nghiệp mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Nhà máy luyện đồng, Nhà máy tuyển Apatit, Nhà máy sản xuất Phốt pho vàng, các nhà máy chế biến chè… Một số dự án khác đang trong giai đoạn hoàn thiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư.

Cơ cấu ngành Công nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Nộp ngân sách địa phương hàng năm rất cao.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành Công nghiệp đều đạt được kết quả khả quan: Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản và luyện kim, hóa chất, phân bón, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất cơ khí, công nghiệp điện và phát triển TTCN đều đạt được mục tiêu kế hoạch và tăng trưởng khá cao so với năm trước. Nhiều cơ sở sản xuất Công nghiệp, TTCN được hình thành và đi vào hoạt động góp phần tạo nhiều sản phẩm mới, làm đa dạng hóa và phong phú thêm các chủng loại sản phẩm, đồng thời góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và vấn đề hết sức quan trọng là đã đóng góp phần to lớn vào thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu "Xóa đói giảm nghèo của tỉnh".

* Có thể  nói, công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển Công nghiệp không chỉ làm gia tăng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp mà còn có tác động to lớn đến tất cả các ngành kinh tế - xã hội đồng thời tác động mạnh đến đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn, những tác động đó được thể hiện ở hai mặt.

Một là, về mặt tích cực: Sản xuất Công nghiệp – TTCN đã có tác động làm chuyển biến kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo ra một diện mạo mới trong đời sônga của nhân dân các địa phương. Cụ thể: việc triển khai đầu tư các dự án công nghiệp lớn tại địa bàn vùng sâu, vùng nông thôn như: Khai thác, chế biến khoáng sản; Các dự án sản xuất phân bón hoá chất; Các dự án thuỷ điện …đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực xung quanh dự án đó là: Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp như đường giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, các công trình phúc lợi xã hội … Bên cạnh việc phục vụ cho dự án thì nhân dân cũng được hưởng thụ từ những công trình đầu tư này.

Các dự án Công nghiệp đi vào sản xuất sẽ thu hút được một lực lượng khá lớn lao động tại địa phương tạo thêm việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người lao động, bước đầu tạo chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn như: Dự án tổ hợp đồng Sin Quyền thu hút gần 1.000 lao động ở cả hai khâu khai thác, chế biến và luyện kim; Dự án khai thác tuyển quặng Quý Xa giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động; Dự án nhà máy gang thép dự kiến sẽ thu hút gần 1.100 lao động …và nhiều dự án khác trong lĩnh vực Công nghiệp có thể giải quyết chỗ làm việc cho hàng chục ngàn lao động tại chỗ.

Việc hình thành các cơ sở sản xuất Công nghiệp này tại địa bàn nông thôn sẽ thu hút các loại hình dịch vụ phát triển như: Thực phẩm, ăn uống, thương mại, may mặc, sửa chữa cơ khí … tạo điều kiện để phát triển đa dạng các ngành nghề trong nông thôn, góp phần nâng cao mức sống nhân dân, đổi mới bộ mặt nông thôn, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.

Trong lĩnh vực phát triển Công nghiệp chế biến và sản xuất TTCN có tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Đây là ngành tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân như: Các loại cây lâm nghiệp, nông nghiệp, ăn quả, dược liệu … Đồng thời cũng là ngành phục vụ cho sản xuất nông nghiệp làm tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác và giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động khuyến công giúp cho người nông dân nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hoá nông thôn và hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất, khởi sự doanh nghiệp, góp phần tạo thu nhập ổn định cho một số hộ kinh doanh trong khu vực nông thôn.

Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp điện, nước: Việc đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, đầu tư hệ thống nước sạch cung cấp cho nhân dân đã góp phần rất quan trọng vào nâng cao đời sống sinh hoạt cho nhân dân, tạo điều kiện cho bà con được hưởng thụ những hoạt động văn hoá, xã hội. Đồng thời còn tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong địa bàn nông thôn, nhằm nâng cao mức thu nhập cho đồng bào các dân tộc.

Việc phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, khai thác một số nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc ở địa phương không chỉ giúp cho nhân dân có thêm thu nhập từ các hoạt động sản xuất mà còn tạo điều kiện để duy trì, bảo tồn và phát triển được những nét văn hoá đặc sắc, tiêu biểu của đa dân tộc Lào Cai. Bên cạnh đó còn góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch, thương mại và dịch vụ của tỉnh.

Như vậy, phát triển Công nghiệp – TTCN bên cạnh việc đóng góp chung vào sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh, còn có đóng góp hết sức quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo của tỉnh.

Hai là, về mặt tiêu cực: Phát triển sản xuất Công nghiệp – TTCN cũng có ảnh hưởng chưa tốt đến đời sống kinh tế, xã hội nhất là nhất là đối với các đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực nông thôn. Đó là: môi trường tự nhiên bị phá vỡ : Các cơ sở sản xuất Công nghiệp –TTCN ít nhiều đều có gây ô nhiềm môi trường như: Bụi, tiếng ồn, ô nhiềm không khí, mùi…và thường tiềm ẩn mất an toàn lao động, an toàn thiết bị trong sản xuất gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao độngà nhân dân khu vực xung quanh.

Hoạt động khai thác chế biến khoáng sản gây sói mòn, cạn kiệt chất đất, làm mất dần các thảm xanh tự nhiên. Vấn đề tiêu thụ, xuất khẩu quặng những năm qua còn phá hỏng một số tuyến đường giao thông làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội.

Các dự án đầu tư Công nghiệp, nhất là các dự án lớn như: Nhà máy gang thép Quý Xa, các nhà máy đầu tư trong cụm Công nghiệp Tằng Loỏng, các dự án thuỷ điện…làm cho nhiều người dân mất đất và tài sản (nhà cửa, hoa màu) làm ảnh hưởng  đến đời sống kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.

Trong giai đoạn 2006-2010 tỉnh Lào Cai đã xác định mục tiêu chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH mà tập trung trước hết cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn. Tỉnh cũng xác định chọn công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế. Để đảm  bảo mục tiêu tăng trưởng GDP của tỉnh bình quân 13,5% - 14% thì Công nghiệp phải có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 31% trong đó riêng lĩnh vực TTCN phải đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân trên 20%.

Xuất phát từ mục tiêu trên, tư tưởng chỉ đạo của ngành là phải tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh để nhanh chóng đưa Công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ đạo. Đẩy mạnh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm để tạo đà tăng tốc phát triển trong nửa cuối giai đoạn 2006-2010. Đồng thời chú trọng phát triển TTCN, Công nghiệp nông thôn để góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu chuyển dịch vơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo của tỉnh.

Với tư tưởng đó, định hướng phát triển Công nghiệp TTCN trong giai đoạn 2007-2010 sẽ tập trung vào một số lĩnh vực: Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản: tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lớn như: Liên doanh khai thác, chế biến quặng sắt Quý Xa; xây dựng nhà máy tuyển apatit Bắc Nhạc Sơn; tăng cường chế biến sâu các khoáng sản: Fenspat, cao lanh, đôlômit, chì kẽm, đồng, vàng…

Công nghiệp luyện kim: Hoàn thành đầu tư một số dự án: Nhà máy luyện đồng; Dự án luyện gang thép Quý Xa. Phát triển các cơ sở sản xuất cơ khí, sản xuất sản phẩm đúc kim loại quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sản xuất đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản tập trung vào một số lĩnh vực: Chế biến chè, sơ chế thuốc là, bảo quản rau, hoa quả; Chế biến lậm sản (sản xuất bột giấy, đồ gỗ gia dụng, đỗ gỗ xuất khẩu, sản xuất các mặt hàng mây tre đan …)

Công nghiệp điện: Chú trọng đầu tư  hệ thống truyền tải điện, nâng cấp mạng lưới điện nông thôn. Đầu tư các dự án thuỷ điện.

Công nghiệp sản xuất VLXD: Tiếp tục triển khai các dự án nhà máy xi măng và nhà máy gạch tuynel. Khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất VLXD không nung.

- Lĩnh vực TTCN tập trung phát triển một số ngành truyền thống: Dệt, thêu thổ cẩm, sản xuất hàng mậy tre đan, chế biến nông sản thực phẩm, nấu rượu truyền thống, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch.

Để hoàn thành những mục tiêu và nhiệm vụ trên, đồng thời để đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo từ góc độ Công nghiệp cần tập trung vào một số giải pháp:

- Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp: Đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc …). Xây dựng quy hoạch các ngành công nghiệp, quy hoạch các cụm Công nghiệp tập trung. Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực Công nghiệp TTCN.

- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển Công nghiệp TTCN trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề đào tạo và sử dụng lao động là người địa phương, lao động là người dân tộc thiểu số. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về mặt xã hội nhằm giữ vững trận tự an toàn xã hội trên địa bàn.

- Tập trung giúp đỡ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiené độ đầu tư các dự án trọng điểm trong vùng nông thôn. huy động nhiều nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống điện nông thôn đẩm bảo phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% số xã, phường, thị trấn và trên 75% hộ dân được sử dụng điện.

- Đẩy mạnh công tác khuyến công, tư vấn, hỗ trợ các dự án phát triển Công nghiệp TTCN. Triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển TTCN trên địa bàn. Quy hoạch phát triển các làng nghề; Đẩy mạnh việc khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới. Tăng cường các chương trình phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan để triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển TTCN trong khu vực nông thôn, trong thanh niên và các cấp Hội Phụ nữ.

- Tăng cường công tác quản lý môi trường trong sản xuất công nghiệp: Pahỉ quản lý chặt chẽ tất cả các dự án đầu tư ngay từu khâu lập dự án, yêu cầu các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết thực hiện kèm theo dự án đầu tư mới xem xét cho phép đầu tư. Phải có dự án tái định cư, tái định canh cho dân đi kèm dự án đầu tư và việc tái định cư, tái định canh cho nhân dân khu vực dự án phải đảm bảo nguyên tắc không được làm giảm mực sống của người dân so với thời điểm chưa bị mất đất, tài sản. Phải tổ chức đào tạo chuyển đổi nghề hợp lý cho nhân dân, ưu tiên bố trí con em các gia đình khu vực dự án được vào làm việc tại các nhà máy sản xuất Công nghiệp – TTCN. Các dự án khai thác chế biến khoáng sản yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc vấn đề ký quỹ khôi phục môi trường. Các dự án đầu tư  khai thác, chế biến khoáng sản phải tham gia xây dựng, đầu tư khôi phục nâng cấp cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, đường điện, nước.

Thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trên cũng chính là công Lào Cai đã tham gia tích cực vào thực hiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu “Xoá đói, giảm nghèo” của tỉnh.          

Nguyễn Thị Hồng Sen

 

Phó Giám đốc Sở Công nghiệp

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập