Lào Cai 23° - 24°
Phát triển Thương mại điện tử tỉnh Lào Cai-Thời cơ và thách thức
Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam thời gian qua tiếp tục phát triển mạnh mẽ trước những biến động từ kinh tế thương mại thế giới, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực TMĐT tăng trên 25% và đạt mức 25 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 8,8%. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dự báo TMĐT Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục bùng nổ, đạt mức 39 tỷ USD vào năm 2024, thuộc top 2 Đông Nam Á (sau Indonesia).

    Lào Cai với vị trí trung tâm khu vực trung du, miền núi phía Bắc; thuộc khu vực 2 hành lang kinh tế lớn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn), có lợi thế về phát triển cửa khẩu, hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (Dự án cảng hàng không Sa Pa). Ngoài ra, với vị trí là cửa ngõ, cầu nối, trung tâm giao kết nối giữa Việt Nam Asean và Tây Nam Trung Quốc, tiếp giáp thị trường TMĐT có quy mô và trình độ kỹ thuật hàng đầu thế giới thì tiềm năng và dư địa phát triển TMĐT của tỉnh Lào Cai là rất lớn, đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới.

    Theo thống kê trong giai đoạn, quy mô thị trường TMĐT tỉnh Lào Cai đã được cải thiện và phát triển đồng bộ, theo đó so với năm 2020, đến năm 2023 chỉ số phát triển TMĐT tỉnh Lào Cai tăng 16 bậc (giảm 9 bậc so với năm 2022), chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) tăng 15 bậc, chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp và NTD (B2C) tăng 22 bậc, chỉ số nguồn nhân lực và CNTT tăng 1 bậc. Doanh số bán ra trên một số sàn TMĐT lớn năm 2024 ước đạt 277 tỷ đồng (đến đầu tháng 12/2024, Sàn TMĐT Shopee: 208 tỷ đồng; Sàn TMĐT, nền tảng MXH khác: 69 tỷ đồng). Trong đó, tổng số sản phẩm hàng hóa bán ra đạt trên 5.300.000 sản phẩm, chủ yếu thuộc các ngành hàng: thực phẩm và đồ uống, nhà cửa và đời sống, thiết bị điện gia dụng, chiếm 66% tổng số sản phẩm bán ra; hàng hóa có giá trị từ 10.000 đồng đến 350.000 đồng chiếm 75% tổng số giao dịch, hàng hóa có giá trị từ 500.000 đồng đến 15.000.000 đồng chiếm 25% tổng số giao dịch.

 

anh tin bai

    Trong năm 2024, tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã đạt được các nội dung đồng thuận và nhận thức chung về tăng cường hợp tác phát triển TMĐT, nghiên cứu phát triển mô hình TMĐT xuyên biên giới, hoàn thiện hạ tầng thông quan hàng hóa TMĐT xuyên biên giới,...Trong đó hai bên đặc biệt quan tâm cùng thống nhất thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động TMĐT qua biên giới; sớm hình thành trung tâm thông quan hàng TMĐT qua biên giới tại cửa khẩu Kim Thành, đồng thời hỗ trợ tích cực trong xúc tiến, thu hút đầu tư từ các Tập đoàn, Doanh nghiệp lớn trong  phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ TMĐT, Logistics như: Sunwah, ZTO Express, Alibaba,...Theo số liệu từ Sở Thương mại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch TMĐT xuyên biên giới giữa tỉnh Vân Nam và Việt Nam đạt 399 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.396.500 triệu đồng), tăng 201,4% so với cùng kỳ năm 2023.

    Phát triển TMĐT đã và đang là xu hướng tất yếu, sự phát triển nhanh của TMĐT gắn liền với sự phát triển của nhiều lĩnh vực quan trọng như: công nghệ thông tin và truyền thông, Logistics và vận chuyển, tài chính và ngân hàng, du lịch và lưu trú,...đồng thời, là tiền đề quan trọng trong nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, thu hút và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, là giải pháp quan trọng để tăng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, TMĐT là lĩnh vực tiên phong của nền Kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số.

    Với đặc thù dựa trên sự phát triển công nghệ số, các nền tảng trực tuyến và công nghệ thông tin, phụ thuộc vào dữ liệu và thuật toán, yêu cầu cao về bảo mật và dịch vụ hỗ trợ. Do đó, phát triển TMĐT tỉnh Lào Cai đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, phát triển và đồng bộ hạ tầng dịch vụ hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa thông qua nền tảng số.

anh tin bai

    Công tác quy hoạch và phát triển cửa khẩu tiếp tục được chú trọng thực hiện

    Để thương mại điện tử tỉnh Lào Cai phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nằm trong danh sách 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về chỉ số phát triển TMĐT, trong giai đoạn tiếp theo cần triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

    Một là về quy hoạch và định hướng phát triển: Phát triển hạ tầng Logistics tỉnh Lào Cai đảm bảo đồng bộ phù hợp với Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng bổ sung địa điểm phù hợp để thiết lập khu vực kiểm soát Hải quan đối với hàng hóa TMĐT trong phạm vi các khu vực cửa khẩu.

    Hai là về rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách: Đẩy mạnh công tác phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động TMĐT, TMĐT xuyên biên giới (Thông tin và Truyền Thông, Công Thương, Hải Quan, Thuế, QLTT,..) nhằm đảm bảo cơ sở thống kê, giám sát, đánh giá phục vụ công tác quản lý nhà nước về TMĐT; Tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT và nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận TMĐT.

    Ba là về phát triển quy mô thị trường: Triển khai các giải pháp đánh giá, thống kê chỉ số phát triển TMĐT, giá trị hàng hóa giao dịch TMĐT, ứng dụng TMĐT đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn, đảm bảo sát với thực tiễn hoạt động, làm cơ sở trong việc xây dựng Kế hoạch phát triển TMĐT, đồng thời nâng cao Chỉ số TMĐT tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tiếp theo.

    Bốn là nâng cao ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp: Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo phù hợp với nhu cầu và thực tiễn hoạt động. Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hoạt động, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm Ocop của tỉnh trên các Sàn TMĐT, ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả giao dịch qua môi trường điện tử.

    Năm là phát triển hạ tầng hỗ trợ TMĐT: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ, cảng hàng không để đảm bảo tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa. Thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển kho hàng, trung tâm Logistics, đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động lưu kho, luân chuyển hàng hóa.

    Sáu là nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn TMĐT tỉnh: Xây dựng các giải pháp trong nâng cấp bổ sung tính năng đồng bộ trong vận chuyển và thanh toán trực tuyến; kết nối, liên thông với sàn TMĐT các địa phương trên toàn quốc; tiếp tục đẩy mạnh thiết lập gian hàng, đăng tải thông tin sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh lên Sàn TMĐT.

    Bảy là thúc đẩy phát triển hoạt động TMĐT xuyên biên giới: Thúc đẩy nghiên cứu, khảo sát, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, thiết lập trung tâm thông quan hàng hóa TMĐT tại khu vực Kim Thành - Bản Vược và định hướng gắn với Trung tâm Logistics Ga đường sắt tiêu chuẩn. Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các cam kết, thỏa thuận với tỉnh Vân Nam trong hợp tác phát triển Công nghiệp ngành hàng, Logistics và TMĐT xuyên biên giới; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện phát triển hạ tầng cửa khẩu và hạ tầng thương mại biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc./.

Thành Nam






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập