NGÀNH CÔNG THƯƠNG LÀO CAI VƯỢT KHÓ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2025
Năm 2024, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của tỉnh Lào Cai.
Triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột chính trị, quân sự tại một số quốc gia; lạm phát toàn cầu tăng cao. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Bộ Công Thương, Sở Công Thương Lào Cai đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực nhiệm vụ năm 2024. Với sự quyết tâm cao, ngành Công Thương tỉnh Lào Cai đã nỗ lực phấn đấu, phát huy kết quả đạt được của những năm trước, khắc phục khó khăn, cùng với sự năng động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo Sở, sự đồng thuận của cán bộ, công chức trong cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh, do vậy năm 2024 Sở Công Thương cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Ông Hoàng Chí Hiền – Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thuỷ điện
Ngành Công nghiệp tiếp tục duy trì phát triển và đảm bảo là trụ cột quan trọng cho phát triển kinh tế cho tỉnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp dù vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đạt được một số thành tựu. Một số dự án công nghiệp mới được khởi công; sản lượng khai thác quặng Apatit tăng cao, do đơn vị có thêm một số đơn hàng mới; các dự án sản xuất axit hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ cao hơn năm trước, đặc biệt là nhu cầu mua phốt pho vàng trên thị trường thế giới có sự khởi sắc, giá bán tăng cao. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp phụ trợ, chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng và bảo vệ môi trường.
Quang cảnh buổi Hội đàm về hợp tác kinh tế thương mại giữa Đoàn đại biểu liên ngành tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) năm 2024
Công tác quản lý phát triển các dự án thủy điện được tăng cường, đảm bảo phù hợp với nhu cầu trên địa bàn. Có thêm 02 nhà máy thuỷ điện đi vào hoạt động chính thức phát điện lưới quốc gia; 01 dự án hoàn thiện nâng công suất, nâng tổng số dự án thuỷ điện hoàn thành phát điện trên địa bàn tỉnh lên 74 dự án với tổng công suất lắp máy 1.162,85MW vận hành ổn định. Tuy nhiên, tính đến nay, tổng số các nhà máy thủy điện đang phát điện ổn định, trên địa bàn tỉnh là 72/74 công trình với tổng công suất 1.117,85MW, còn 02/26 nhà máy thuỷ điện vẫn đang tạm dừng phát điện, tiếp tục khắc phục hậu quả sau cơn bão số 03. Toàn tỉnh có 152/152 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; 99,87% số tổ, thôn, bản và 97,71% số hộ có điện lưới quốc gia và đến nay đã triển khai hoàn thành cấp điện cho 86/87 thôn bản trắng về điện. Hiện nay, toàn tỉnh có 05 cụm công nghiệp (CCN), đã thu hút được 146 cơ sở, doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho trên 1.500 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2024 đạt 45.728 tỷ đồng; bằng 87,6% so với KH, tăng 7,4% so với năm 2023.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng. Ngay từ đầu năm, với chuỗi ngày nghỉ Tết, nghỉ Lễ dài ngày, chuỗi các sự kiện được tổ chức thu hút đông đảo du khách đến với Lào Cai. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm được lưu thông thông suốt, giá cả hàng hóa ổn định, hàng hóa trên thị trường luôn được đảm bảo trong mọi tình huống.
Toàn tỉnh có 71 chợ, 07 siêu thị, 02 trung tâm thương mại, 91 Cửa hàng xăng dầu và 01 kho xăng dầu, gần 300 cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ khí LPG chai, 03 trạm nạp LPG vào chai và 06 thương nhân kinh doanh mua bán khí đang hoạt động ổn định đã góp phần phục vụ tốt hoạt động lưu thông cung ứng hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân và góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại tất cả các khu trên địa bàn tỉnh. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 42.548,7 tỷ đồng, vượt 9,1% so với KH được giao, tăng 8,5% so với năm 2023.
Công tác xúc tiến thương mại được triển khai tích cực, là một trong yếu tố quan trọng để thúc đẩy trao đổi hàng hóa, tăng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn. Nhiều Hội chợ triển lãm thương mại, Hội nghị kết nối giao thương đã được tổ chức thành công, trong đó điển hình là Hội chợ Kinh tế thương mại và Biên giới Trung - Việt (Hồng Hà) năm 2024 với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp hai nước với quy mô trên 600 gian hàng là điểm nhấn của Hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024.
Hoạt động thông quan tại các cửa khẩu được tổ chức đồng bộ, hợp lý, năng lực thông quan được nâng lên, các hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, hoạt động thông suốt. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng ở tất cả các loại hình đặc biệt là xuất khẩu với lượng sầu riêng xuất khẩu tăng mạnh). Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, lượng hàng hóa, phương tiện xuất khẩu tăng mạnh (38%) so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng 400-600 xe/ngày; Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan duy trì với 04-06 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu chủ yếu hàng lưu huỳnh và quặng sắt quá cảnh, nhập khẩu phân bón. Tổng giá trị XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn năm 2024 đạt 3.377,59 triệu USD, bằng 75% so KH, tăng 56,39% so với năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu còn có những khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Một số dự án dự án, dự kiến đi vào hoạt động và có sản phẩm được đưa vào tính giá trị SXCN giai đoạn 2020 – 2025 nhưng chưa hoàn thành tiến độ đầu tư; Giá trị sản xuất công nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra; giá nguyên nhiên liệu không ổn định (xăng, dầu); thiếu nguyên, vật liệu đầu vào (than cốc nhập khẩu, quặng Apatit) để sản xuất, Nhà máy gang thép Lào Cai của Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung vẫn dừng sản xuất; Các dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa được khởi công do gặp khó khăn vướng mắc về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; Nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu; Hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị) phát triển không đồng đều, chưa thu hút được đầu tư phát triển tại các khu vực nông thôn, công tác đầu tư xây dựng chợ tại vùng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu; hiệu quả hoạt động kinh doanh của thương nhân tại các chợ giảm mạnh do gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình hiện đại khác nên tình trạng chợ hoạt động kém hiệu quả và kiot trống tại một số chợ ngày càng nhiều; Thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng chưa kiểm soát được chất lượng hàng hóa và thuế; Hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, không có nhiều đổi mới, chưa vươn ra được các thị trường ngoài thị trường Trung Quốc...

Ông Hoàng Chí Hiền – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai – Việt Nam và Bà Lý Dực – Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, ký biên bản hội đàm hợp tác kinh tế thương mại liên ngành tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) năm 2024
Năm 2025 là năm về đích các mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội ở mức cao nhất, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Lĩnh vực công nghiệp: Khẩn trương tháo gỡ khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng cho các dự án khai thác chế biến khoáng sản để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đảm bảo đưa vào hoạt động trong năm 2025; Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan kêu gọi đầu tư các nhà máy mới với công nghệ tuyển tiên tiến tuyển quặng III nhằm đáp ứng sản lượng cho các nhà máy chế biến; đánh giá về chuỗi giá trị sản xuất trong khai thác, chế biến sâu khoáng sản; công nghệ của các nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các khoáng sản apatit, sắt, đồng, graphit, đề xuất việc nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất gắn với đổi mới công nghệ tuyển; Triển khai thực hiện phát triển khu, cụm công nghiệp theo Kế hoạch số 390/KH-UBND của UBND tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường dây 500 KV để đảm bảo chuyển tải điện tại địa phương...
Lĩnh vực thương mại nội địa: Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới; Duy trì các điểm bán và giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại các khu du lịch, điểm du lịch. Phát triển các hoạt động thương mại điện tử tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa. Triển khai có hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tiếp tục tham mưu triển khai phát triển hạ tầng thương mại. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại.
Về xuất nhập khẩu: Thường xuyên theo dõi chặt chẽ hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới, kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc phát sinh; tiếp tục tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Đẩy mạnh công nghệ thông tin, kinh tế số, cửa khẩu số, thương mại điện tử, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tuyến gắn với chuyển đổi số. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu để xây dựng cửa khẩu thông minh tại tỉnh Lào Cai. Tăng cường hợp tác với các địa phương trong nước và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại. Đẩy mạnh hợp tác với phía Trung Quốc, giảm chi phí thông quan, tăng năng lực xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao qua cửa khẩu. Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam theo hướng thực chất, hiệu quả để thu hút thêm các sản phẩm chủ lực xuất khẩu; thu hút hàng hoá tạm nhập tái xuất, quá cảnh thông quan qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam trên đà hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, ngành Công Thương Lào Cai đang có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội, ngành Công Thương cần bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI và các chủ trương của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục khắc phục khó khăn, phấn đấu nâng cao hiệu quả trong tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sáng tạo, đổi mới thiết thực để hoàn thành mục tiêu ở mức cao nhất./.
Thu Hà – Phòng KH-TC-TH